1. Thế nào là bệnh bạch cầu cấp?
Bạch cầu cấp hay còn được gọi là “ung thư máu”, là một trong những bệnh lý máu ác tính. Do tại tủy xương tăng sinh một loại tế bào non chưa biệt hóa hoặc biệt hóa rất ít (tế bào blast). Sự tăng sinh và tích lũy các tế bào này dẫn đến sinh máu bình thường bị giảm sút hậu quả dẫn đến suy tủy xương với các biểu hiện: Thiếu máu, chảy máu, nhiễm trùng, đồng thời các tế bào ác tính lan tràn ra máu, thâm nhiễm vào các cơ quan gây nên: gan to, lách to, hạch to, đau xương, lợi phì đại. Do đó, các tế bào ung thư có thể chạy đi rất xa trong cơ thể gây ra hàng loạt triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau.
Bệnh gây ra bởi các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra các tế bào máu, Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng gần đây, với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp điều trị tiên tiến đã cho kết quả điều trị tốt hơn nhiều. Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không được điều trị.
2. Nguyên nhân gây bệnh bạch cầu cấp
Cũng như các bệnh lý ung thư khác, đến nay nguyên nhân gây bạch cầu cấp vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên chúng ta cần lưu ý những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, gồm:
- Tia xạ: Ở những người tiếp xúc tia xạ lâu ngày (vùng nhiễm xạ nặng, điều trị bằng tia xạ,…), sau các vụ nổ hạt nhân thì tỷ lệ bạch cầu cấp nhiều hơn bình thường. Tia xạ gây tổn thương vật liệu di truyền, gây suy giảm miễn dịch.
- Hóa chất: Những công nhân tiếp xúc với hóa chất nhóm Alkyl, nhóm Benzen có tỷ lệ bạch cầu cấp cao hơn bình thường. Hoặc tình trạng hóa chất, thuốc trừ sâu,… nhiễm độc nguồn nước, thức ăn.
- Virus: Qua các nghiên cứu cho thấy một số virus gây ung thư như HTLV1, HTLV2 gây bệnh bạch cầu cấp dòng lympho T,…
- Yếu tố di truyền: có một số bệnh bẩm sinh di truyền như Hội chứng Down, hội chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh, hội chứng Poland,…
- Bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn sinh tủy, hội chứng tăng sinh tủy sau một thời gian có trường hợp chuyển bạch cầu cấp thứ phát.
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch cầu cấp
Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào từng bệnh nhân, giai đoạn bệnh, thể bệnh mà có những triệu chứng khác nhau, có thể gặp 1 vài triệu chứng hoặc đầy đủ các biểu hiện như sau:
3.1. Thiếu máu
Nhóm triệu chứng này là đặc trưng cho việc giảm số lượng hồng cầu, tế bào có chức năng vận chuyển oxy cung cấp cho cơ thể nên gây ra các triệu chứng như:
- Nguyên nhân thiếu máu do tình trạng giảm tổng hợp hồng cầu trong tủy xương.
- Da xanh, niêm mạc nhợt. Để đánh giá khách quan triệu chứng này bệnh nhân cần được khám trong điều kiện phòng đủ ánh sáng và khám các vùng da ít sắc tố như: da lòng bàn tay.
- Hoa mắt chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi cơ, xương khớp, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy).
- Nhip tim nhanh, hồi hộp trống ngực do hệ tim mạch tăng hoạt động để duy trì oxy cho cơ thể.
- Tình trạng thiếu máu xảy ra khá nhanh, nặng dần.
3.2. Xuất huyết
Nhóm triệu chứng đặc trưng cho tình trạng suy giảm tiểu cầu, tế bào có chức năng cầm máu nên khi giảm có thể gây ra triệu chứng như:
- Xuất huyết tự nhiên, hay gặp ở da và niêm mạc, dạng chấm, nốt, hoặc có thể dạng mảng xuất huyết.
- Trường hợp xuất huyết tạng: Xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu người bệnh có biểu hiện đại tiểu tiện ra máu,..
- Xuất huyết não - màng não gây đe dọa tính mạng người bệnh.
3.3. Nhiễm trùng
Với tình trạng bệnh có hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi, chính là những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài nên khi số lượng bạch cầu suy giảm thì hậu quả tất yếu là bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn, đặc trưng là:
- Sốt.
- Nhiễm trùng ở da.
- Viêm phổi.
- Loét họng, loét miệng.
3.4. Thâm nhiễm tế bào blast
Đây là nhóm triệu chứng do sự tăng sinh tế bào ung thư máu, có thể gặp như:
- Phì đại cơ quan nội tạng như gan, lách, hạch to.
- Thâm nhiễm da.
- Thâm nhiễm thần kinh gây nên dấu hiệu thần kinh khu trú (đau nửa đầu, co giật, hôn mê).
- Thâm nhiễm xương: người bệnh có biểu hiện đau xương, phì đại lợi.
4. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu cấp
Bệnh bạch cầu dễ mắc với những trường hợp có các yếu tố nguy cơ kể trên:
- Thường xuyên tiếp xúc tia xạ, hóa chất.
- Nhiễm virus HTLV1, HTLV2.
- Người bị Down, người mắc hội chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh, hội chứng Poland…
- Bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn sinh tủy, hội chứng tăng sinh tủy làm tăng nguy cơ bị bạch cầu cấp hơn người bình thường.
5. Những phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp
Phương pháp điều trị bạch cầu cấp khác nhau ở các giai đoạn của bệnh tùy thuộc vào mục đích điều trị:
- Điều trị tấn công lui bệnh: Mục đích chính là đẩy lùi tế bào ác tính đồng thời giúp tế bào bình thường hồi phục.
- Điều trị sau lui bệnh: Mục đích làm giảm tối thiểu số lượng tế bào ác tính, đồng thời giúp tế bào máu trở lại bình thường. Nếu ngưng điều trị ở giai đoạn này thì hầu hết bệnh nhân sẽ bị tái phát.
- Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu: Là phương pháp làm giảm nguy cơ tái phát và tiệm cận đến tình trạng chữa khỏi bệnh hoàn toàn cho bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng hóa trị liệu kết hợp xạ trị toàn thân với liều cao để phá hủy tối đa số lượng tế bào bạch cầu ác tính trong cơ thể. Vì phương pháp điều trị này cũng làm tổn thương cả các tế bào gốc tạo máu bình thường trong cơ thể nên cần các tế bào gốc mới để ghép vào sau khi điều trị. Chỉ định ghép cũng phụ thuộc và độ tuổi, tình trạng toàn thân và chức năng của các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân.
6. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh bạch cầu cấp
Với việc nguyên nhân gây bệnh bạch cầu cấp chưa được xác định rõ thì biện pháp phòng ngừa bệnh vẫn chưa thật cụ thể. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là cách ly môi trường sống khỏi các tác nhân gây đột biến như phóng xạ, hóa chất cũng như duy trì một lối sống khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.
Bạch cầu cấp là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó, khi cảm thấy bản thân có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.