1. Ung thư thực quản là gì?
Thực quản là phần trên của ống tiêu hóa, giúp chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Ung thư thực quản là khối u ác tính được hình thành từ niêm mạc thực quản. Khi phát triển khối u sẽ xâm nhập vào sâu trong thành thực quản. Theo thời gian, khối u to lên và có thể xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh, di căn hạch, di căn theo đường mạch máu, mạch bạch huyết tới các cơ quan khác: phổi, gan, xương… Thực quản dài khoảng 25cm, chia thành 3 đoạn: ⅓ trên, ⅓ giữa và ⅓ dưới. Khối u có thể xuất hiện bất cứ đâu dọc theo chiều dài thực quản.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Hùng - Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viên K Trung Ương cho biết ung thư thực quản được chia hai loại chính:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 90% ca ung thư thực quản; phát triển từ các tế bảo vảy lót ở niêm mạc thực quản đoạn ⅓ trên và ⅓ giữa, thường liên quan đến việc lạm dụng rượu và thuốc lá.
- Ung thư biểu mô tuyến chiếm khoảng 2-8% ca ung thư thực quản nguyên phát. Loại này bắt đầu trong các tế bào biểu mô tuyến ở đoạn ⅓ dưới của thực quản, nơi thực quản nối với dạ dày, thường liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày và béo phì.
Ngoài ra còn có các loại khác chiếm khoảng 1% bao gồm sarcom cơ trơn, u tế bào Schwann ác tính, u lympho ác tính…
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản
Yếu tố gây bệnh chính xác của ung thư thực quản hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản: tuổi cao, nam giới, hút thuốc, uống rượu..
- Tuổi: Ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60.
- Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 – 10 lần so với người bình thường. Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
- Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
- Người có bệnh lý về thực quản: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
- Chế độ ăn uống: Những người có chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, thiếu các vitamin A, B2, C; duy trì thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamin...
- Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ.
3. Dấu hiệu ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là:
3.1. Nuốt nghẹn
Cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn trở ra. Nuốt nghẹn tăng dần từ đặc tới thức ăn lỏng. Thường khi có nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
3.2. Nôn
Xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn.
3.3. Tăng tiết nước bọt
Khi bệnh nhân nuốt nghẹn nhiều thì nước bọt hầu như không xuống được dạ dày nên bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt.
3.4. Sụt cân
Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.
3.5. Triệu chứng ung thư thực quản khác
Triệu chứng tỏ khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản: Khó thở; Ho; Sặc; Khàn tiếng (Một giọng nói khàn hay ho mà không hết trong vòng 2 tuần); Đau (Đau khi nuốt: cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị).
4. Các giai đoạn của ung thư thực quản và biểu hiện mỗi giai đoạn như thế nào?
Theo TS.BS Nguyễn Văn Hùng - Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viên K Trung Ương (hiện là cố vấn cao cấp tại A lô Xét Nghiệm) cho biết Ung thư thực quản có 4 giai đoạn, khi người bệnh thăm khám và được chẩn đoán ung thư thực quản, các bác sĩ sẽ phân theo giai đoạn để có phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả nhất
4.1. Ung thư thực quản giai đoạn I
Ở giai đoạn này thì tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản. Ung thư thực quản giai đoạn 1 có đặc điểm khối u có kích thước nhỏ, mới chỉ phát triển giới hạn trong lớp lót thực quản, chưa lan đến hạch bạch huyết hay các cơ quan ở xa.
Ngoài giai đoạn tiền triển bệnh, điều trị ung thư thực quản giai đoạn I còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị là những phương pháp có thể chỉ định trong điều trị bệnh ở giai đoạn này.
4.2. Ung thư thựa quản giai đoạn II
Đây là giai đoạn khi tế bào ung thư đã xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư thực quản giai đoạn 2 có đặc điểm khối u xâm lấn sâu hơn vào lớp bên trong thực quản, có thể lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến bất kì cơ quan ở xa nào. Ung thư thực quản giai đoạn II sống được bao lâu là lo lắng của nhiều bệnh nhân.
Ung thư thực quản giai đoạn II đã bắt đầu tác động đến người bệnh. Một số biểu hiện bệnh có thể gặp ở giai đoạn này là: khó nuốt, tiết nước bọt nhiều, ợ nóng, đau tức ngực…
4.3. Ung thư thực quản giai đoạn III
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thì trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xấm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản.
Cụ thể, Ung thư thực quản giai đoạn 3 là khi khối u trong thực quản đã lan ra thành thực quản và xâm lấn vào các mô cơ lân cận, chẳng hạn như lớp phủ của phổi (màng phổi), lớp phủ bên ngoài của tim (màng ngoài tim) hoặc cơ ở dưới cùng của khung xương sườn (cơ hoành).
Ung thư cũng có thể đã di căn đến 6 hạch bạch huyết gần đó nhưng chưa di căn sang bất kỳ bộ phận nào khác ở xa hơn trên cơ thể. Ung thư thực quản giai đoạn 3 còn được gọi là giai đoạn tiến triển cục bộ.
Ung thư thực quản giai đoạn 3 lại được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 3A: Có nghĩa là ung thư đang phát triển vào lớp đệm, lớp cơ niêm mạc (mô dưới biểu mô), lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ dày nâng đỡ thực quản. Ung thư đã lan đến không quá 6 hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 3B: Có nghĩa là ung thư đã lan vào lớp cơ dày hoặc lớp ngoài của thực quản. Khối u đã lan vào các mô cơ lân cận như mô mỏng bao phủ phổi (màng phổi), lớp túi mỏng bao bọc bên ngoài tim (màng ngoài tim) hoặc cơ ở dưới cùng của khung xương sườn (cơ hoành). Ung thư có thể đã lan rộng đến 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
4.4. Ung thư thực quản giai đoạn IV (giai đoạn cuối)
Ung thư thực quản giai đoạn cuối hay còn gọi là hay ung thư thực quản giai đoạn 4 thì tế bào ung thư đã xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như: gan, phổi, não, xương. Vị trí phổ biến nhất để ung thư thực quản di căn chính là gan. Ngoài ra, ung thư thực quản giai đoạn cuối cũng có thể di căn đến phổi hoặc các hạch bạch huyết.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu thì giai đoạn này Các hạch bạch huyết là một phần của hệ thống ống và tuyến trong cơ thể có chức năng lọc chất lỏng trong cơ thể và chống lại nhiễm trùng. Nếu ung thư thực quản di căn đến các hạch bạch huyết sẽ gây ra các triệu chứng là cứng hoặc sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ có thể khiến bạn khó nuốt.
Ở giai đoạn này, cần sử dụng các phương pháp y học như: Chụp cắt lớp vi tính, xạ hinh xương, nội soi phế quản để chẩn đoán bệnh.
5. Các phương pháp chẩn đoán ung thư thực quản
Theo TS.BS Nguyễn Văn Hùng - cố vấn cao cấp về tầm soát ung thư tại Alô Xét Nghiệm chia sẻ, có khoảng 50% người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Để giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn để việc điều trị hiệu quả hơn và tốt hơn cho người bệnh, việc khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa quan trọng. Ngày nay với các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại giúp các bác sỹ có thể chẩn đoán sớm bệnh ung thư thực quản: nội soi thực quản, chụp CT, sinh thiết qua nội soi…
Nội soi 3D: Quá trình nội soi thực quản cũng giúp xác định chính xác vị trí, hình dạng khối u, mức độ hẹp lòng thực quản, tình trạng loét và sùi của bề mặt khối u. Nội soi 3D còn cho phép sinh thiết u để xác định chẩn đoán.
Chụp CT-Scan: Tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế đã có hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT). Nhờ hỗ trợ máy móc hiện đại sẽ giúp bác sĩ đánh giá được những tổn thương nhỏ nhất để phát hiện được giai đoạn ung thư sớm.
6. Điều trị ung thư thực quản như thế nào?
Ung thư thực quản là một bệnh có thể điều trị được nhưng hiệu quả không cao do người bệnh thường đến ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng. Các phương pháp chính trong điều trị ung thư thực quản là: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, miễn dịch; có thể kết hợp đa mô thức phụ thuộc vào từng người bệnh.
6.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác nhau. Tại bệnh viện lớn được đầu tư thiết bị y tế hiện đại và nhờ hệ thống nội soi thế hệ mới sẽ phát hiện u rất nhỏ, giới hạn ở niêm mạc của thực quản sẽ được cắt u tại chỗ qua nội soi bằng phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD)
Đối với ung thư thực quản giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản. Cắt thực quản kèm nạo vét hạch sẽ cho tiên lượng sống tốt hơn.
6.2. Hóa trị và xạ trị
- Hóa trị: Thuốc hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật ở những người bị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị. Ở những người bị ung thư đã lan tràn ra ngoài thực quản, hóa trị có thể được sử dụng một mình để giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư.
Tác dụng phụ của thuốc hóa trị phụ thuộc vào loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
- Xạ trị: Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị liệu ở những người bị ung thư thực quản. Nó có thể được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật. Xạ trị cũng được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh ung thư thực quản tiên triển, chẳng hạn như khi một khối u phát triển đủ lớn gây nghẹt thực quản.
Tác dụng phụ của tia xạ đến thực quản bao gồm các phản ứng cháy nắng ở da, nuốt đau hoặc khó và tổn hại ngẫu nhiên đến các cơ quan lân cận như tim, phổi.
6.3. Điều trị nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là một điều trị nhắm đến các các gen cụ thể, protein hoặc môi trường mô góp phần cho sự phát triển và sống còn của tế bào ung thư. Phương pháp này nhằm ngăn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư trong khi hạn chế thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.
6.4. Điều trị thay thế (giảm nhẹ)
Liệu pháp giảm nhẹ có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của điều trị ung thư. Ví dụ, người bị ung thư thực quản có thể bị đau do điều trị ung thư hoặc do một khối u đang phát triển. Bác sĩ có thể làm việc để kiểm soát cơn đau của bạn bằng cách điều trị các nguyên nhân gây ra hoặc bằng thuốc. Tuy nhiên, cơn đau có thể kéo dài và liệu pháp giảm nhẹ có thể giúp bạn đối phó. Các phương pháp có thể là châm cứu, xoa bóp, kỹ thuật thư giãn.
7. Lời khuyên của thầy thuốc để phòng tránh căn bệnh ung thư thực quản
- Không hút thuốc lá: đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Chính vì thế việc để phòng ung thư thực quản chúng ta cần tránh hút thuốc lá.
- Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.
- Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…. Bên cạnh đó, cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
- Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học
Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư. Vì thế ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Tuy nhiên việc tầm soát ung thư là yếu tổ quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.